Monochrome là ảnh đơn màu với nhiều sắc độ khác nhau để làm nổi bật trên phông nền trung tính. Nhờ vậy, khi hai camera hoạt động cùng lúc có thể cải thiện đến 50% độ tương phản của bức ảnh và máy có thể thu nhận hơn gấp ba lần thông tin về ánh sáng.
Điều này là nhờ vào việc cảm biến monochrome không sử dụng bộ lọc RGB nên có thể hấp thụ nhiều photon ánh sáng hơn. Ảnh sẽ có độ chi tiết cao hơn trong điều kiện đủ sáng, và trong điều kiện thiếu sáng thì mức độ nhiễu sẽ được giảm đi đáng kể, nhờ lượng ánh sáng nhận vào nhiều hơn.
Còn với camera truyền thống (camera thứ hai) thì có cảm biến màu nên khi chụp cần quá trình xử lý nhiều hơn, dẫn đến tình trạng ảnh kém sắc nét hơn. Chính vì thế, xét về lý thuyết, camera cảm biến monochrome sẽ bổ sung phần nhược điểm của camera cảm biến màu truyền thống và ngược lại.
Sự kết hợp này có thể giúp chi tiết ở các vùng sáng, vùng tối trong một tấm ảnh vẫn sẽ được bảo toàn, chất lượng ảnh sẽ tốt hơn các ảnh chụp từ camera màu thông thường.
Ngoài ra, Huawei còn tích hợp trên camera của bộ đôi Huawei P9 Lite và P9 Plus thêm công nghệ Hybrid Focus, hỗ trợ tốc độ lấy nét bằng laser nhanh và chính xác hơn. Tuy nhiên, điểm thiếu sót lại là không có ổn định hình ảnh quang học (OIS). Có vẻ như với Huawei camera monochrome đã là quá đủ để có thể bù trừ cho tính năng ổn định quang học.
Dòng chữ Leica Summarit H 1:2.2/27 ASPH Camera Leica trên smartphone Huawei
Dòng chữ Leica Summarit H 1:2.2/27 ASPH ngay phía dưới camera P9 và P9 Plus: Summarit là tên gọi ống kính dòng trung cấp của Leica, 1:2.2 là khẩu độ và 27 là tiêu cự 27 mm.
TÓM LẠI, việc phải chi khoảng 449 Euro cho P9 (khoảng hơn 11 triệu đồng) hay 549 Euro cho P9 Plus (gần 14 triệu đồng) để sở hữu camera có gắn mác Leica sang chảnh là hợp lý! Đây chỉ là giá tham khảo, giá bán tại thị trường Việt Nam có thể sẽ thay đổi cho phù hợp.
Leica là ai?
Những người không rành về nhiếp ảnh có thể không biết đến Leica nhưng với dân chụp ảnh thì gần như đều biết ít nhiều tiếng tăm của hãng. Leica là hãng máy ảnh lâu đời được thành lập từ năm 1849 tại Wetzlar, Đức. Sản phẩm của hãng được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên ưa chuộng nhờ sự hoàn hảo của chất lượng ảnh.
Các sản phẩm của Leica thể hiện cả sự tinh tế và bảo thủ đặc trưng của người Đức, cùng giá bán... trên trời, khiến không ít người phải chùn bước khi có ý định đặt mua chúng.
Leica Brand
Có vẻ như việc hợp tác gần đây giữa Huawei và Leica như là một bước đệm, đem Leica đến với thị trường nhiếp ảnh di động, một thị trường cực kỳ béo bở mà chưa mấy hãng máy ảnh chuyên nghiệp đến. Mặt khác, nó cũng nâng tầm thương hiệu của Huawei lên một bậc, vì trước nay chất lượng camera trên các sản phẩm Huawei chưa bao giờ được đánh giá cao.
Sự hợp tác này có thể so sánh với (hoặc không) sự hợp tác giữa Carl Zeiss (hiện nay là Zeiss) với Nokia ngày trước, khi Zeiss hỗ trợ Nokia tạo ra những chiếc điện thoại với camera cực kỳ bá đạo như N97, N8, Lumia 800, 900 và 808 PureView,...
Camera Leica trên smartphone Huawei
Lý do nào khiến một hãng sản xuất máy ảnh cao cấp (có bèo cũng vài ngàn USD) lại hỗ trợ và đồng ý để logo sang trọng Leica lên chiếc smartphone vài trăm đô vẫn chưa được trả lời. Có thể Leica không tham gia nhiều, ví dụ một vai trò cố vấn thôi chẳng hạn.
Và ngay cả Huawei cũng thừa nhận, hãng chỉ nhờ Leica thiết kế lại giao diện ứng dụng chụp ảnh phù hợp smartphone hơn và đính kèm thêm ba bộ lọc màu từ Leica. Bản thân cụm camera không phải Leica sản xuất nhưng camera kép trên P9 và Huawei P9 Lite đã được Leica chứng nhận.
Không có nhận xét nào